NGƯỜI TREO CỜ TRÊN SƯ BỘ 23 NGỤY CÁCH ĐÂY 50 NĂM
Được giao nhiệm vụ tìm Cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh Buôn Ma Thuột để phát biểu trong Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2025), tôi đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Buôn Ma Thuột gặp đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, người treo cờ Giải phóng trong trận đánh của Bộ đội ta vào “Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy” tại thị xã Buôn Ma Thuột sáng ngày 11/3/1975.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, người treo cờ Giải phóng lên Sư bộ 23 ngụy.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh sinh năm 1951, tại xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Năm 1972, trong khí thế sục sôi toàn miền Bắc đang đón nhận những tin vui chiến thắng từ Quảng Trị, Kon Tum, Bình Long đưa về. Lúc đó, đồng chí đang là công nhân, mới cưới vợ, nhưng với suy nghĩ “Lý tưởng của thanh niên là được đứng trên tuyến đầu chống Mỹ” là động lực thôi thúc đồng chí Thịnh xung phong đi bộ đội. Nhập ngũ tháng 6 năm 1972, sau thời gian huấn luyện tân binh, đồng chí Thịnh được điều về Sư đoàn bộ binh 316 làm nhiệm vụ quốc tế ở Bắc Lào; đã tham gia chiến đấu với phỉ biệt kích Vàng Pao, quân Thái Lan trong chiến dịch Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng và bị thương ở nước bạn Lào.
Cuối năm 1973, thực hiện Hiệp định lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Lào, Sư đoàn 316 về nước để củng cố lực lượng, huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, chuẩn bị tham gia cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, ngày 15 tháng 01 năm 1975, Sư đoàn 316 hành quân cơ giới vào khu vực Đắk Đam (khu vực giáp ranh giữa huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với tỉnh Mondulkiri) để tham gia chiến dịch Tây Nguyên.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Lúc bấy giờ, nguyên tắc bí mật được đặt lên hàng đầu, toàn đơn vị phải nghiêm túc thực hiện phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để chống địch đang lùng sục tìm tung tích, phát hiện ý đồ của Bộ đội ta. Đến ngày 05/3, Sư đoàn 316 cơ động từ Đắk Đam qua đường 14, vượt sông Sê - rê - pốc, tạm dừng chân ở buôn Ea Na (hiện nay là xã Ea Na/huyện Krông Ana); sau đó, cơ động vào chiếm lĩnh trận địa. Sáng sớm ngày 10/3/1975, Tiểu đoàn 7 của đồng chí Thịnh tấn công từ đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẫn) đánh chiếm khu Nhà thờ Tin Lành, phát triển lên làm chủ khu vực Nhà thờ Quân đội, cư xá sĩ quan ngụy, sau đó, tiến công vào cổng chính Sở Chỉ huy Sư 23 ngụy. Địch dùng pháo binh, không quân, thiết giáp và hỏa lực bên trong bắn ra quyết liệt. Nhiều đồng đội tôi và đồng chí Bùi Văn Vui, chiến sĩ được giao nhiệm vụ cắm cờ đã hy sinh./ Hết ngày 10/3/1975,/ bộ đội ta chưa chiếm được Sở Chỉ huy Sư 23 ngụy. Tối hôm đó, Tiểu đoàn 7 chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm, củng cố quyết tâm và giao nhiệm vụ chiến đấu cho các phân đội.
Tờ mờ sáng ngày 11/3/1975, trong đội hình tiểu đoàn, trung đội tôi tổ chức lực lượng bí mật đi vòng qua Bệnh viện tỉnh tấn công vào Sư bộ 23, chiếm nhà làm việc của chỉ huy địch và khu Tham mưu. Tại đây, có Phòng trưng bày “Chiến lợi phẩm” của Sư 23 ngụy. Lúc này, súng AK của tôi bị kẹt đạn, không sửa được, tôi nhanh chóng lấy khẩu AK “chiến lợi phẩm”, thấy cờ ngụy còn trên cột, nên lấy luôn cờ Giải phóng – địch trưng bày, dùng bút bi viết phiên hiệu đơn vị, ghi và ký tên mình vào cờ. Lúc này, các đơn vị của ta tấn công mạnh từ 4 hướng. Bộ đội đã vào “Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh”. Quân địch bị dồn ép về khu sửa chữa quân xa, kho đạn nhưng vẫn ngoan cố chống trả rất quyết liệt. Lợi dụng tình huống đó, tôi cùng 2 chiến sĩ tiếp cận cột cờ. Đồng chí Quyền, đồng chí Thành làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ, còn tôi nhanh chóng leo tít lên đỉnh cột, cắt hạ cờ địch, treo cờ ta lên, lúc này là 10g30 ngày 11/3/1975. Cờ Giải phóng tung bay phất phới trên Sư bộ 23 ngụy, góp phần cổ vũ tinh thần quân ta, giảm sút ý chí quân địch. Trước sức tấn công mãnh liệt của bộ đội ta, trưa ngày 11/3/1975, quân ta làm chủ Sư bộ 23 ngụy, quân địch bỏ chạy. 2 tên Đại tá: Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắk Lắk; Vũ Thế Quang, Sư phó 23 ngụy bị bắt sống.
Ngày 14/3/1975, đơn vị tôi tham gia đánh vào hậu cứ Trung đoàn 53 địch (sân bay Hòa Bình). Tại đây, tôi đã bị thương nặng vào đùi, lạc đồng đội, được 2 nữ công nhân đồn điền cà phê gần đó cứu sống. 3 ngày sau, tôi gặp đơn vị bạn, được đưa về tuyến sau, điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn 3. Năm 1976, tôi ra Bắc an dưỡng.
Với thành tích chiến đấu, tôi được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công hạng Ba, 01 Huy chương Chiến sĩ Giải phóng, 01 Danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy. Với 2 lần bị thương, sức khỏe yếu, tôi được giải quyết ra quân với quân hàm Thượng sĩ, về địa phương công tác.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh (đứng bên phải đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) cùng các Cựu chiến binh tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk dự gặp mặt tại Đà Nẵng.
Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, năm 1987, tôi vào thăm lại chiến trường xưa, thấy Đắk Lắk là “vùng đất hứa”, dễ làm ăn, phát triển kinh tế; tôi đưa gia đình vào Buôn Ma Thuột sinh cơ, lập nghiệp. Qua quá trình lao động và tích lũy, đến nay, kinh tế gia đình tôi thuộc diện khá, các con tôi đã có gia đình riêng, sống hạnh phúc.
Là người lính trải qua chiến tranh, được may mắn, sống trong hòa bình, độc lập, tự do, chứng kiến những thăng trầm của lịch sử đất nước, tỉnh nhà. Gia đình có được đời sống kinh tế khấm khá như hiện nay, tôi rất hạnh phúc và tự hào về tài lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh, dân tộc Việt Nam kiên cường, bản lĩnh, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thấy được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự phát triển của đất nước, của tỉnh Đắk Lắk, của thành phố Buôn Ma Thuột trong 50 năm qu – những hiện thực mà trước đây thế hệ chúng tôi chưa bao giờ dám mơ ước tới./.
Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban Tuyên giáo, Phong trào